Vai trò, tầm quan trọng trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng ngày 22 - 06 - 2022
Lượt xem: 7.490
100%

 

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của nước ta, có thể thấy một trong những yếu tố then chốt, đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng, giữ vững sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có đạo đức cách mạng thực sự “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; có năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; trước hết, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, thường xuyên tu đưỡng, rèn luyện đạo dức cách mạng, tự soi, tự sửa, từng bước hoàn thiện, nâng cao phẩm chất, năng lực công tác, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu tư cách một người cách mệnh: Tự mình phải: cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi mình; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại; hay nghiên cứu, xem xét; vị công vong tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng ham muốn về vật chất; bí mật. Đối với người phải: khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người. Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể”([1]).

Về yêu cầu đạo đức cách mạng: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà tính tốt như sau, ngày càng tăng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”([2]). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác viết năm 1947, Bác đề cập 5 đức tính “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” là những phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Chính vì vậy, để vận dụng, áp dụng tư tưởng của Bác vào trong thực hiễn hiện nay; mỗi cán bộ, đảng viên dù ở vị trí công tác nào cũng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thực hành mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh để giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Có thể thấy, tư tưởng của Bác về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là bài học quý báu, là Kim Chỉ Nam để thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo, rèn luyện, trưởng thành và qua lịch sử cách mạng của Đảng, Nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước là một trong những minh chứng sống động, có biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng của Bác, hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, quên mình vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên vẫn chưa thật sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, bị cám dỗ bởi vật chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Xác định điều này, Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XII đã chỉ rõ: “Do bản thân những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”([3]). Để khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm nêu trên; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, vừa là yêu cầu cấp thiết hiện nay; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

- Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tận tâm, tận lực với công việc. Như lời Bác đã nhắn nhủ: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”([4]). Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc được giao, luôn hướng đến mục tiêu chung phục vụ Nhân dân, không ngại khó khăn, vất vả và mạnh dạn chịu trách nhiệm của mình nếu thực hiện chưa tốt, từ đó nhìn nhận, tự soi, tự sửa, khắc phục để từng bước hoàn thiện.

- Thường xuyên thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần cụ thể hóa thành những yêu cầu thiết thực, phù hợp; phải chính trực, cần mẫn, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao, phân công đảm nhiệm, kiên trì thực hiện; không nản lòng, buôn xuôi khi gặp khó khăn; không tham địa vị, tiền tài, lãng phí, phô trương, hình thức trong mọi nhiệm vụ; luôn trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái đẹp, phê phán, lên án cái sai, cái xấu. Thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và phải đồng bộ, không được đề cao hay coi nhẹ bất cứ một phẩm chất nào, bởi chúng có mối quan hệ biện chứng qua lại lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM. Cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN. Có KIỆM mới có LIÊM được”([5])“CẦN, KIỆM, LIÊM là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người có CẦN, KIỆM, LIÊM, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”([6]).

- Cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, nêu gương về thực hành đạo đức là phẩm chất cần có đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Đạo đức là sự thống nhất biện chứng giữa ý thức đạo đức và thực tiễn đạo đức, giữa nhận thức và hành động. Nếu mỗi người chỉ tiếp nhận những quan niệm, chuẩn mực đạo đức mà không thực hành thì không có đạo đức trong thực tế. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải nêu gương về thực hành đạo đức, nói đi đôi với làm; phải thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức và học tập nâng cao trình độ, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như Bác đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải có thái độ nghiêm túc, chủ động, tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự giác trong học tập, nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có hiểu biết sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có kiến thức về ngoại ngữ, tin học; thường xuyên nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động thực tiễn và năng động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn... Có như vậy, mới không ngừng tiến bộ, trưởng thành, thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

- Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức, lối sống. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, phải tự soi, tự sửa, lắng nghe ý kiến đồng chí, đồng nghiệp và mọi người để tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghiêm khắc.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục; phải bền bỉ rèn luyện suốt đời như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”./.

 

([1]) Hồ Chí Minh toàn tập: tập 2, trang 280 - 281.

([2]) Hồ Chí Minh toàn tập: tập 5, trang 291.

([3]) Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu hỏi - đáp các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

([4]) Hồ Chí Minh toàn tập: tập 7, trang 249.

([5]) Hồ Chí Minh toàn tập: tập 6, trang 126.

([6])Hồ Chí Minh toàn tập: tập 6, trang 129.

Tin liên quan

Tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững...(28/02/2024 9:05 SA)

Xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh(13/09/2023 4:11 CH)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Lời kêu gọi thi đua ái quốc đối với công tác thi đua, khen...(11/04/2023 11:09 SA)

Tiếp tục nâng cao công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh(05/04/2023 9:27 SA)

Nêu gương - một phương thức lãnh đạo của Đảng có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với...(09/03/2023 10:52 SA)

Tin mới nhất

“Cán bộ chống lưng” và “chống lưng cán bộ”(18/03/2024 2:46 CH)

Tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững...(28/02/2024 9:05 SA)

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới(28/02/2024 9:14 SA)

Đón xuân, nhớ Bác Hồ(26/01/2024 4:36 CH)

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên(02/01/2024 5:17 CH)

85 người đang online
°