Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng ngày 07 - 01 - 2025
Lượt xem: 20
100%

 

Để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một trong những “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, “rất cấp bách, bắt buộc phải làm” là thực hiện “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng để thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy “rất khó” nhưng “không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Bộ máy phải tinh gọn để “làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện và để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình hình thành và phát triển tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam. Bề dày thực tiễn kết tinh nên hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là những chỉ dẫn về “tinh gọn” để bộ máy mạnh mẽ và sáng suốt, “làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”.

Tinh gọn bộ máy không phải là một sách lược chính trị, cách thức cải tiến tổ chức tạm thời mà là công việc thường xuyên, có tính quy luật để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Sự quan tâm liên tục của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy ý nghĩa chiến lược của xây dựng bộ máy tinh gọn đối với hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; qua đó, tác động to lớn đến tiến trình vận động và phát triển của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bộ máy phải tinh gọn là yêu cầu có tính nguyên tắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán nhấn mạnh trong toàn bộ quá trình hơn hai thập niên trực tiếp lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị của chế độ dân chủ cộng hòa. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, yêu cầu bộ máy phải tinh gọn thể hiện gián tiếp qua những đề cập rất chi tiết của Người về cách tổ chức, hoạt động của chính quyền trong một số bài viết. Trong thời gian dài sau đó, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu: “Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý…”. Tư tưởng và thực tiễn đó khẳng định tính chất to lớn, quan trọng, lâu dài, có ý nghĩa chiến lược của việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là quá trình thực hiện đồng bộ giữa xây và chống. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tinh gọn bộ máy là quá trình “chỉnh đốn và kiện toàn”. Động lực chủ yếu của xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn là ngăn chặn, phòng trừ các nguy cơ, biểu hiện quan liêu, tiêu cực, xa dân gây ảnh hưởng đến bản chất quyền lực thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến những biểu hiện tiêu cực này để khẳng định yêu cầu phải tinh gọn tổ chức bộ máy: “Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”; “bộ máy cồng kềnh, nhiều giấy tờ, hình thức,... Từ cấp trên xuống cấp dưới, công việc chậm trễ, nhiều khi không ăn khớp. Chúng ta phải sửa chữa các khuyết điểm kể trên, coi trọng và thật sự kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân về các mặt công tác, tổ chức, cán bộ”. Kết quả của quá trình chỉnh đốn này là bộ máy được thiết kế và vận hành “gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”. Tóm lại, tinh gọn tổ chức bộ máy là “một cuộc sửa chữa, lau chùi, thêm dầu mỡ, thau nước… làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tính toàn diện được thể hiện rõ nét trong tư tưởng và thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trên hai khía cạnh chủ yếu. Về nội dung, hệ thống chính trị phải được tinh gọn cả về bộ máy và nhân sự. Tiến hành sắp xếp, bố trí cơ quan, đơn vị trong hệ thống sao phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Trước câu hỏi “Sao bây giờ lại chỉ có 10 bộ?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Nhận thấy “từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra”, Người kiên quyết yêu cầu phải sắp xếp lại cho gọn gàng và hợp lý hơn. Về nhân sự, tiến hành sắp xếp và tinh giản. Căn cứ vào việc để sắp xếp, điều chuyển nhân sự sao “cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu”. Về nhân sự, “thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Theo Người, tinh giản là “nâng cao năng suất, giảm bớt số người”: “tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Mặt khác, tinh gọn tổ chức bộ máy phải được thực hiện cả từ trên xuống lẫn từ dưới lên với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành”; “các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”. Đó là tính toàn diện trong quan điểm về lực lượng và phương thức thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Đạo đức cách mạng là “sức mạnh” để tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, gốc tích của bộ máy kềnh càng là do chủ nghĩa cá nhân: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức”. Bệnh bè phái, cục bộ địa phương, trưng diện hình thức, phô trương lãng phí cũng được nhắc đến như là nguyên nhân dẫn đến biên chế phình to quá mức so với yêu cầu thực tế: “Những cơ quan tổ chức kềnh càng không hợp lý, việc ít người nhiều, tốn kém cho công quỹ một cách vô ích. Hoặc ham chuộng hình thức, trưng diện cho sang, phô trương, lãng phí”. Trở lực lớn nhất ngăn cản tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ nghĩa cá nhân. Sức mạnh nền tảng để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy “phải gột rửa sạch những bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hình thức, phải luôn luôn đi sát với quần chúng, phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính”. Xét cho cùng, tinh gọn tổ chức bộ máy cũng chính là quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “dĩ công vi thượng” của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “không thể chậm trễ hơn được nữa”

Sự nghiệp đổi mới mang lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như hiện nay. Đó là nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao) và 100 năm thành lập nước (trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao). Một trong bảy định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ là tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhận thấy tầm quan trọng của xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Đảng ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, “So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học - công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển”. 

Đất nước đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng”, dẫn đến cản trở, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”; càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, không thể chậm trễ hơn được nữa.

Những giải pháp từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng và thực tiễn lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những chỉ dẫn quan trọng, có giá trị nền tảng định hướng cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bao gồm: 

Một là, nêu cao và phát huy sức mạnh của đạo đức cách mạng, giải quyết tốt vấn đề lợi ích.

Trước sự khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó” bởi liên quan đến lợi ích của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chỉ dẫn rất quan trọng: Gốc rễ của bộ máy kềnh càng, biên chế phình to là chủ nghĩa cá nhân - “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết... chỉ muốn “mọi người vì mình”. Trở lực chính của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay cũng là chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ triệt tiêu “điểm nghẽn” chính của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Vận dụng chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phẩm chất đạo đức dĩ công vi thượng: “tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”. 

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhất định phải gắn liền với quá trình tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích riêng của từng bộ phận, cá nhân với tinh thần khẩn trương “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy nhiên, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xóa bỏ lợi ích cá nhân chính đáng. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có thể bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo tinh thần minh bạch, khách quan, kịp thời.

Hai là, huy động và tổ chức tốt lực lượng thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy”; do vậy, xây dựng tổ chức bộ máy là việc chung của tất cả. Hồ Chí Minh yêu cầu “các địa phương sẽ thi đua với nhau, Trung ương sẽ thi đua với địa phương, làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn, để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”. Sức mạnh tổng hợp của hệ thống là yếu tố quyết định đến thực hiện chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị “gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”.

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay phải bảo đảm sự tham gia thực hiện của toàn hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần triệt để chấp hành, chỉ bàn làm, không bàn lùi; khẩn trương thực hiện, không trông chờ. Huy động được sức mạnh của toàn hệ thống, tổ chức phát động cao điểm thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các địa phương, giữa Trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra yêu cầu: “đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này... Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ”.

Dựa vào nhân dân để tiến hành cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các quan báo chí, truyền thông, phải đẩy mạnh tuyên truyền rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Hiện nay, đông đảo nhân dân đang ủng hộ, hưởng ứng chủ trương của Đảng, tạo nên động lực tinh thần to lớn cổ vũ thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần quan tâm chăm lo và phát huy vai trò của gia đình cán bộ, công chức chịu ảnh hưởng của công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy, sớm ổn định cuộc sống.  

Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới với kế thừa, ổn định và phát triển, giữa sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.

Cách mạng luôn là quá trình không ngừng đổi mới phát triển trên nền tảng kế thừa các giá trị đã được xác lập. Từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng bộ máy tinh gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa, nghĩa là giữa những cái đã có với cái mới. Tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một cuộc cách mạng, do vậy phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới và kế thừa. Tinh thần được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu cao là quyết liệt, mạnh mẽ phải gắn liền với thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, vì vậy cần chú trọng: Chỉ kết thúc hoạt động, điều chuyển, sắp xếp những vị trí chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, các tầng nấc trung gian; các vị trí đang phù hợp và phát huy tốt thì giữ và nâng chất; chỉ thành lập mới các cơ quan, đơn vị khi thật sự cần thiết; gắn chặt chẽ giữa sắp xếp bộ máy với tinh giản biên chế; thực hiện phương châm sắp xếp bộ máy trước, điều chỉnh biên chế gắn với sắp xếp. Tinh giản biên chế theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giảm số lượng nhưng tăng năng suất. Thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ để “giản” đúng đối tượng, từ đó giúp “giản” nhưng bộ máy phải tinh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những biểu hiện bè phái, cục bộ loại trừ người có năng lực để giữ người kém dẫn đến biên chế bộ máy gọn nhưng không tinh. Ban chỉ đạo ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước các yếu kém, sai phạm, tiêu cực trong thực hiện tinh gọn bộ máy.

Bốn là, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn liền với hoàn thiện thể chế hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến sự phân công và phối hợp như là nền tảng hình thành bộ máy, là điều kiện để xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn. Việc tiến hành cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải gắn liền với hoàn thiện thể chế tương ứng. Phát huy trí tuệ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để sớm xây dựng được khung thể chế mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Rà soát lại toàn bộ các quy định hiện có để ban hành mới, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với mô hình sắp xếp mới. “Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện”.

Thời cơ vươn mình của dân tộc đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không chỉ phải chủ động, quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, mà còn phải chắc chắn và hiệu quả. Càng đứng trước “vấn đề khó, thậm chí rất khó” càng phải thấm nhuần những bài học sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này./.

           (Một số nội dung sưu tầm từ Tạp chí Cộng sản)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới(15/01/2025 7:48 SA)

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc(04/12/2024 11:15 CH)

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế bảo đảm quyền con người(04/11/2024 8:35 SA)

Chi bộ Phòng Hành chính, Văn thư - Lưu trữ tổ chức Lễ kết nạp đảng viên(14/10/2024 1:45 CH)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo(11/10/2024 10:17 SA)

54 người đang online
°