Ngày 10/01/2025, Thanh tra Chính phủ phối hợp với cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai.
Hội thảo do ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chủ trì, cùng sự tham gia của bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng quốc gia của cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương khu vực phía Bắc và các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
|
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Hội thảo nhằm mục tiêu lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Thông tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là bước tiếp nối thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thông tư quy định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, nguyên tắc xác minh, quy trình xác minh, hồ sơ xác minh, cũng như quy định về xử lý vi phạm trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập.
Kiểm soát tài sản, thu nhập: Giải pháp then chốt trong phòng, chống tham nhũng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, khẳng định: “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những giải pháp quan trọng trong các giải pháp tổng thể phòng ngừa tham nhũng”. Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nhấn mạnh, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP đã có những quy định rất cụ thể về công tác này.
Theo ông Trần Đăng Vinh, việc kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, giúp tăng cường tính minh bạch, liêm chính của nền công vụ và của người có chức vụ, quyền hạn; Giúp các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi làm giàu bất chính; Giảm thiểu nguy cơ, tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là trong công tác xác minh tài sản, thu nhập. Cụ thể, ông Vinh chỉ ra ba vấn đề chính:
Thứ nhất, chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất hướng dẫn về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh tài sản, thu nhập, cũng như hướng dẫn các biểu mẫu văn bản trong quá trình thực hiện xác minh tài sản, thu nhập. Điều này dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có những quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện để bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khách quan.
Thứ ba, việc yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai còn được thực hiện tùy nghi, thiếu thống nhất nên hiệu quả chưa cao.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập. Thông tư này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Quy trình xác minh chặt chẽ, minh bạch
Một trong những nội dung nổi bật tại hội thảo là quy trình xác minh tài sản, thu nhập. Dự thảo Thông tư quy định rõ các bước từ việc xác định đối tượng xác minh, tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, ra quyết định xác minh, xây dựng và phê duyệt kế hoạch, đến việc tiến hành xác minh thực tế và kết luận. Đặc biệt, quy trình bốc thăm ngẫu nhiên được thảo luận kỹ nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh xảy ra tình trạng lựa chọn chủ quan.
Quy trình này không chỉ đảm bảo tính khách quan mà còn hạn chế tối đa nguy cơ lạm quyền hay thiên vị trong công tác kiểm soát tài sản. Theo dự thảo, việc bốc thăm sẽ được thực hiện công khai, với sự tham gia của đại diện các bên liên quan, lập biên bản rõ ràng và lưu trữ đầy đủ.
Tăng cường trách nhiệm giải trình và bảo vệ thông tin cá nhân
Một nội dung quan trọng khác được đưa ra thảo luận là trách nhiệm giải trình của người kê khai tài sản. Theo dự thảo, người được xác minh phải giải thích rõ ràng các nội dung kê khai, đặc biệt là những khoản tài sản có giá trị lớn hoặc có nguồn gốc không rõ ràng. Nếu giải trình không đầy đủ hoặc không phù hợp, tổ xác minh có thể tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm có liên quan để làm rõ.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người kê khai cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Việc công khai kết quả xác minh, nếu cần thiết, cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và không gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của người được xác minh.
Kết thúc Hội thảo, ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu. Ông nhấn mạnh rằng việc ban hành Thông tư không chỉ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác xác minh tài sản, thu nhập mà còn tạo động lực lớn để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn.
Theo ông Trần Đăng Vinh, những quy định trong dự thảo không chỉ đáp ứng yêu cầu của pháp luật mà còn phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi cao. Thanh tra Chính phủ, cụ thể là Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.
Thông qua Hội thảo, Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để tăng cường minh bạch, đảm bảo công bằng trong công tác kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Đây cũng là bước đi quan trọng, góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân./.
(Một số nội dung sưu tầm từ Tạp chí Thanh tra Chính phủ)