Sáp nhập huyện, xã dự kiến dôi dư 21.700 cán bộ và 2.700 trụ sở

Đăng ngày 29 - 05 - 2024
Lượt xem: 79
100%

 

Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin chi tiết lộ trình sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025, cũng như giải quyết tài sản, trụ sở, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Bộ trưởng cho hay, đến nay có 54/63 đơn vị nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12-13 huyện. Số cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị.

Giai đoạn này, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Bà Trà ghi nhận nhiều địa phương làm rất tích cực và hiện có 10 địa phương đã trình đề án lên Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện.

Điển hình, là tỉnh Nam Định rất quyết tâm và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến, Nam Định giảm 50 xã sau sáp nhập.

Tuy nhiên, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong vấn đề này.

Biểu hiện cụ thể là chưa ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học, chặt chẽ về chính trị, thể hiện quyết tâm cao của địa phương. Trình tự thủ tục cũng rất chậm.

Nếu tính thời gian chỉ còn mấy tháng nhưng nhiều địa phương rất chậm, nếu không nhanh sẽ không kịp thời gian 30/9 phải xong, bà Trà nhấn mạnh.

Về xử lý về tài sản dôi dư sau sáp nhập, Bộ trưởng cho biết đến nay còn tồn đọng khoảng 50% của giai đoạn trước. Đây là tỷ lệ rất lớn.

“Số lượng tài sản, trụ sở dôi dư ở giai đoạn này khoảng 2.700, so với giai đoạn trước là rất lớn. Trong khi đó, số cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này dự kiến 21.700 người”, bà Trà lưu ý đây là số lượng rất lớn, nếu không có giải pháp căn cơ sẽ khó thực hiện.

Cả Trung ương và địa phương đang cố gắng phối hợp chặt chẽ để chủ động phương án ngay từ khi xây dựng đề án, nhằm giải quyết những khó khăn này.

“Tinh thần chung là mong các địa phương tập trung để cố gắng hoàn thành trước 30/9, đảm bảo mục tiêu đưa ra tại nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh./.

 (Một số nội dung sưu tầm từ Báo điện tử Thanh tra)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thực hiện thanh tra lĩnh vực Nội vụ tại UBND huyện Ninh Phước(24/09/2024 4:44 CH)

Quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế...(18/09/2024 8:54 SA)

Kiểm soát quyền thanh tra: Yêu cầu tất yếu để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành pháp(18/09/2024 8:48 SA)

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng(06/09/2024 4:59 CH)

Quán triệt, tổ chức thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị(20/08/2024 5:22 CH)

37 người đang online
°