Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đối với thương binh và gia đình liệt sỹ. Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.
Xuất phát từ tình cảm chân thành đối với thương binh, liệt sỹ, ngay sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất nhưng Bác vẫn không quên các thương binh, thân nhân liệt sỹ; hằng năm, cứ đến ngày 27 tháng 7, Người đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sỹ và viếng các anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Hằng năm, Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Từ đó, có những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình, con em những người đã hy sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Trong suốt 76 năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu, đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa và thu hút các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia, mang lại hiệu quả, thiết thực. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sỹ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ,… ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Kế thừa những bài học quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ- Đảng và Nhà nước đã vận dụng, phát huy và cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực với nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sỹ; luôn quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Hằng năm, cứ vào dịp 27 tháng 7, hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đều có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tri ân các gia đình, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để có những giải pháp nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa” góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với tinh thần đời đời vinh danh, tri ân công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; làm sâu sắc thêm truyền thống, đạo lý nhân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, đó là:
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và Nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, xác định là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tích cực thông tin tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên,... tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc; thấy được sự hy sinh anh dũng, những cống hiến và đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”,... Qua đó, huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức và cả hệ thống chính trị trong thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.
- Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó nòng cốt là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên tinh thần đất nước, quê hương phát triển hơn, đời sống Nhân dân tốt hơn thì đời sống người có công và gia đình chính sách cũng phải được nâng lên; không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện các chính sách đến với người có công nhanh nhất, đúng nhất, đầy đủ nhất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong thực thi chính sách đối với người có công với cách mạng.
- Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023) nhằm tuyên truyền, tổ chức thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng.
- Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách./.