Ngày 17/3/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức tôn giáo đối với đất liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị do ông Vũ Chiến Thắng- Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Vũ Hoài Bắc- Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đồng chủ trì; tham dự Hội nghị có đại diện một số bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức tôn giáo.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tôn giáo nhất trí cao với tầm quan trọng cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, bất cập của luật và hoàn thiện cơ chế pháp lý về việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, trong đó có tổ chức tôn giáo, đồng thời đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan. Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hòa thượng Thích Huệ Thông- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bổ sung thêm cụm từ “theo quy định Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo” sau cụm từ “cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo" trong Khoản 1, Điều 203 dự thảo quy định “Đất tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thành thất, thánh đường, cơ sở đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”. Mục sư Trần Thanh Truyện-Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam đề nghị sửa Khoản 4, Điều 203 dự thảo lại thành: “Tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất thuộc và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì chuyển sang thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định của luật này” do các tổ chức tôn giáo còn có các hoạt động khác như giáo dục, y tế, du lịch tâm linh... để phục vụ cộng đồng hoặc để mở rộng cơ sở tôn giáo, cơ sở đào tạo tôn giáo. Còn theo linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ-Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng, dự thảo luật không cho phép tổ chức tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc nhận chuyển nhượng và nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ các tổ chức, cá nhân (Điểm a, Khoản 6, Điều 49 Dự thảo), mặc dù Khoản 4, Điều 203 đã quy định và cho phép tổ chức tôn giáo được sử dụng đất khác (không phải đất tôn giáo), đồng thời đề nghị bổ sung thêm nhu cầu sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và việc xác định đất tôn giáo, tín ngưỡng là một trong các nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (Điều 165 Dự thảo).
Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm; giải quyết sự chồng chéo trong quy định thẩm quyền công nhận Quyền sử dụng đất đối với tổ chức tôn giáo là UBND cấp tỉnh, đối với cộng đồng dân cư sử dụng là UBND cấp huyện, trong khi giữa cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo có sự đan xen lẫn nhau; cụ thể hơn các quy định liên quan đến đất đa mục đích có yếu tố tâm linh; các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, đất đai là một lĩnh vực rộng, có tác động lớn đến đời sống xã hội vì vậy, việc lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của pháp luật khi đưa vào thi hành trong thực tế; đồng thời ghi nhận, cảm ơn đại diện các tôn giáo đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có nhưng ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo luật, nhất là trong các điều khoản về đất liên quan đến tôn giáo. Thứ trưởng Bộ Nội vụ cảm ơn các chức sắc, chức việc các tôn giáo đã ủng hộ, đồng thuận với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và mong muốn các vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiếp tục tuyên truyền, vận động tín đồ, đồng đạo tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo pháp luật không chỉ thể hiện chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước mà còn phù hợp với yêu cầu cuộc sống với lợi ích hợp pháp của Nhân dân./.
(Nguồn: Một số nội dung và hình ảnh sưu tầm từ Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ)