Triển khai thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo đã có nhiều tấm gương đặc biệt xuất sắc. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, họ luôn lo những nỗi lo của người dân, nghĩ những cách làm tốt cho dân, dần dần đưa các xã nghèo nhất cả nước đạt nhiều thành quả kinh tế - xã hội đáng biểu dương.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, sinh năm 1986, quê ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tốt nghiệp Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, với chuyên ngành Kinh tế và Quản lý công năm 2009, luôn ước mơ được trở về xây dựng quê hương.
Khi Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ được phát động, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Ðược phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, chị nhanh chóng nhận ra rằng, mỗi khi vào vụ mùa, người dân địa phương thường phải sang xã, huyện lân cận thuê nông cụ hiện đại. Chị Linh liền xin ý kiến lãnh đạo địa phương, lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Tiến, cung cấp nông cụ hiện đại phục vụ bà con. Ở xã nghèo Phước Tiến, người dân phần đông là đồng bào dân tộc Raglai, cho nên hợp tác xã vẫn là khái niệm xa lạ. Thấy vậy, nữ Phó Chủ tịch xã chủ động đến từng thôn, bản, gặp gỡ các già làng, giải thích những lợi ích của việc thành lập mô hình hợp tác xã. Bằng số vốn 400 triệu đồng, cùng năm chiếc máy cày tay, hợp tác xã được thành lập với sự tham gia của 270 xã viên, chiếm hơn 50% số dân của xã khi đó. Ngoài nhiệm vụ cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, làm đất, hợp tác xã còn hỗ trợ nâng cao kỹ thuật sản xuất, thu mua nông sản giúp bà con sau vụ mùa. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, hợp tác xã có mức thu lãi khoảng 58 triệu đồng và phát triển thêm dịch vụ xây dựng công trình phúc lợi, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Từ thành công bước đầu này, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh triển khai chuyên canh lúa giống cao sản, mỳ, bắp; vận động bà con nâng cao chất lượng đàn heo đen là thế mạnh của địa phương. Chị cùng cán bộ nông nghiệp xã đến từng nhà hướng dẫn bà con phương pháp xây dựng chuồng trại, chăn nuôi hiệu quả và cách thức quảng bá sản phẩm đầu ra. Mới đây, nữ Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến còn nghiên cứu xây dựng làng nghề truyền thống để bảo tồn, phát triển nghề mây tre đan. "Tình yêu quê hương là động lực lớn nhất và cũng là duy nhất thôi thúc tôi đưa ra những giải pháp, sáng kiến mới để làm lợi cho người dân", chị Nguyễn Thị Ngọc Linh chia sẻ.
Trí thức trẻ Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tiến
vận động bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
Với nỗ lực đóng góp sức trẻ, chung sức cùng chính quyền từng bước thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen nhân tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trên địa bàn huyện Bác Ái và vinh dự được cử tham dự Lễ tuyên dương Ðội viên tiêu biểu Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo tại thủ đô Hà Nội./.
Các trí thức trẻ ưu tú tại Lễ tuyên dương Ðội viên tiêu biểu Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo