Cấp xã sẽ đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn khi thực hiện Chính quyền địa phương 2 cấp

Đăng ngày 12 - 05 - 2025
Lượt xem: 2
100%

 

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, từ ngày 01/7/2025, cả nước sẽ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Đây được xem là bước đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Với việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay, cấp xã sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện; được phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

Nhiều người dân đã quen với cụm từ “lên huyện” khi cần xin giấy phép xây nhà, hay xử lý các thủ tục đất đai. Nhưng bắt đầu từ tháng 7/2025, sẽ thay đổi theo hướng thuận tiện hơn, ít tầng nấc hơn, nhờ chủ trương tinh gọn bộ máy.

- Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, cấp xã sau sáp nhập sẽ được thành lập các trung tâm hành chính công để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục trước đây thuộc cấp huyện sẽ được chuyển giao trực tiếp về cấp xã. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính sẽ được tinh gọn, cắt giảm bước trung gian, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không tổ chức chính quyền cấp huyện thì cấp xã sẽ được trao quyền nhiều hơn, trở thành những đơn vị quản lý nhà nước thực sự gần gũi với người dân. “Chúng ta phải thiết kế để bố trí lại chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã như thế nào? Về nguyên lý, tất cả nhu cầu thiết yếu, tức là những dịch vụ thiết yếu nhất cho người dân, doanh nghiệp nên đưa xuống cấp xã, để chính quyền thực sự bám sát nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, từ đó hướng đến đúng sứ mệnh là gần dân, phục vụ và phụng sự Nhân dân tốt hơn trước đây”.

Đồng thời nhấn mạnh: Trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương đang được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, đội ngũ công chức cấp xã sẽ phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ mới, với khối lượng công việc ngày càng lớn và yêu cầu chuyên môn ngày càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực, trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm đáp ứng kỳ vọng về một nền hành chính hiện đại, gần dân và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

- PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, tăng phân quyền cho cấp xã nhưng cần có sự kết nối giữa cấp tỉnh và cấp xã để đảm bảo mọi công việc được thông suốt, hiệu quả.

“Phải bảo đảm việc liên thông giữa cấp trên và cấp dưới. Cụ thể ở đây là cấp tỉnh trực tiếp xuống cấp xã và cần có sự kết nối chặt chẽ, thông suốt, bảo đảm liên thông thường xuyên để cấp xã giải quyết công việc một cách hiệu quả dưới sự quản lý, theo dõi, giám sát và hướng dẫn cũng như có sự hỗ trợ kịp thời của cấp tỉnh. Đây là vấn đề cần thiết, quan trọng để bảo đảm cho sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hoàn thiện tốt nhiệm vụ quản lý của chính quyền cấp xã có quy mô lớn sau sáp nhập”.

- Phát biểu kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh sẽ giữ vai trò kép, vừa là cấp trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, vừa là cấp chủ động ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, quản lý toàn diện hoạt động của cấp xã.

Trong khi đó, cấp xã được xác định là cấp chủ yếu tổ chức thực hiện các chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh, nhưng sẽ được tăng cường mạnh mẽ phân cấp, phân quyền. Chính quyền cấp xã cũng sẽ có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc thi hành pháp luật trên địa bàn và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Đồng thời, khẳng định, chính quyền địa phương sau sắp xếp phải đạt được yêu cầu tinh gọn, hiệu quả, gần dân và đủ năng lực quản trị xã hội hiện đại, hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cuộc sống của Nhân dân./.

(Một số nội dung sưu tầm từ Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải vì sao vẫn giữ ngạch công chức(12/05/2025 2:18 CH)

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV(08/05/2025 9:40 SA)

Phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa...(08/05/2025 9:39 SA)

Bộ Nội vụ tiếp xã giao Đoàn Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc(26/04/2025 8:00 SA)

Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ(25/04/2025 2:20 CH)

23 người đang online
°