Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) biểu dương các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt yêu cầu.
Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC vừa được tổ chức để thảo luận, cho ý kiến về 03 nội dung rất quan trọng, đó là: kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024; kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ đầu năm đến nay; và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 .
Ban Chỉ đạo đánh giá, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2024 và thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương, có bước đột phá mới, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.
Theo đó, công tác PCTNTC đã đạt được 07 kết quả lớn, nổi bật:
Thứ nhất, chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên sai phạm.
Thứ hai, công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Thứ ba, tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có có 07 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư và 10 Ủy viên Trung ương Đảng, thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đã quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.
Thứ sáu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTNTC ở địa phương.
Thứ bảy, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC. Theo đó, đã thông tin, tuyên truyền sâu rộng về kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết, phong cách làm việc, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và sự khẳng định tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Phiên họp lần thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tại Phiên họp quan trọng này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban chỉ đạo xác định quan điểm chung là: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đầy lùi tham nhũng, tiêu cực, với cách làm khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, hiệu quả hơn; phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, theo đúng phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 yêu cầu: PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội; PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu từ nay đến cuối năm 2024 và năm tới, phải gắn PCTNTC với tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Theo đó, tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu yếu, những việc đang làm dở, nhất là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn; thu hồi tài sản tham nhũng; có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục hiệu quả tình trạng “những nhiễu”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, sai phạm về kinh tế; xử lý dứt điểm các vụ án đã khởi tố, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát,... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.
Đồng thời, chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; xử lý dứt điểm các sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, các vụ, việc bức xúc của Nhân dân. Nhất là khẩn trương hoàn thành kết luận kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (như liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn,...). Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xem xét miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức, bị kỷ luật theo đúng quy định của Trung ương.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTNTC. Nhất là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế, chính sách, pháp luật vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa để phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về PCTNTC phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Nhất là nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC; tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC.
Và chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở./.
(Nội dung sưu tầm từ Tạp chí Thanh tra Chính phủ)