Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2023

Đăng ngày 13 - 03 - 2023
Lượt xem: 125
100%

 

Ngày 07/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2023 (Nghị quyết). Theo đó, về tình hình    kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2023, Chính phủ thống nhất đánh giá:

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế; dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc diễn biến tình hình, bám sát thực tiễn và có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả; chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực; vừa tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, vừa giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,45% so với tháng 01, tăng 0,97% so với tháng 12 năm 2022; bình quân 02 tháng đầu năm tăng 4,6%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường và lãi suất cho vay có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 02 tháng ước đạt 22,5% dự toán năm, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại xuất siêu 2,82 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02 ước tăng 5,1% so với tháng trước; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 02 đạt 51,2 điểm. Sản xuất nông nghiệp thời tiết thuận lợi; diện tích gieo trồng tăng; trồng rừng mới tăng 4,8%; sản lượng thủy sản tháng 02 tăng 2,5% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phát triển tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 02 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch phục hồi nhanh, khách nội địa đạt trên 20 triệu lượt; khách quốc tế 02 tháng đầu năm đạt trên 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chú trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng; tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng. Nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa. Các hoạt động văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được quan tâm; các lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, lành mạnh. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân được quan tâm. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả; kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách; chú trọng đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu, độc và xử lý nghiêm các sai phạm.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nhiều ngành công nghiệp giảm hoặc tăng trưởng thấp. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 02 tháng giảm 11,2%, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 14,5% so với cùng kỳ; một số doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế chưa được khắc phục. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, trên không gian mạng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Sự phối hợp giữa một số cơ quan, địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; còn sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực thi công vụ…

Thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, rủi ro gia tăng; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột Nga-Ucraina tiếp tục kéo dài… Ở trong nước, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng kinh tế Quý I đối mặt với thách thức lớn; áp lực thanh khoản của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tăng cao, rủi ro đối với nền kinh tế gia tăng; trong khi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường…

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, thực chất, hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm sự chủ động, quyết liệt, chính xác và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình, khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đề ra 25 nhóm nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược cải cách hành chính của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền.

Ngoài ra, Chính phủ đánh giá (1) về  tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; (2) về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; (3) về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; (4) về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tình hình thị trường quốc tế và trong nước; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới; (5) về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; (6) về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết./.


31-NQ-CP.pdf

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển(22/04/2024 5:13 CH)

Venezuela rất trân trọng hình ảnh, sự nghiệp, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh(22/04/2024 5:08 CH)

Thông báo tổ chức thi trình bày Đề án đối với các ứng viên tham gia kỳ thi tuyển chức danh Phó...(19/04/2024 10:03 CH)

Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023...(17/04/2024 11:19 SA)

Giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954(16/04/2024 2:57 CH)

46 người đang online
°