Khắc phục khó khăn trong khai thác, tiếp cận thông tin về phòng, chống tham nhũng

Đăng ngày 20 - 06 - 2024
Lượt xem: 113
100%

 

Cơ sở pháp lý để các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin về phòng, chống tham nhũng (PCTN) hiện nay được quy định trong Luật Báo chí, Luật PCTN và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong thời gian qua, báo chí đã phát huy được vai trò mạnh mẽ, góp phần đắc lực vào công tác PCTN. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận các thông tin về tham nhũng. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao vai trò của báo chí trong công tác PCTN, trước hết, cần có các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận của báo chí đối với các thông tin về PCTN.

1. Trong công cuộc PCTN, báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng, là công cụ hữu hiệu thúc đẩy xem xét, xử lý hành vi tham nhũng nhanh nhạy, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, là phương tiện góp phần bảo đảm hiệu quả trong hoạt động phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, báo chí cũng được coi là một chủ thể tham gia vào công tác PCTN. Điều 75 Luật PCTN năm 2018 quy định: “Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng”. Đồng thời, Luật cũng quy định, cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, PCTN và vụ việc tham nhũng.

Để phát huy vai trò và trách nhiệm của báo chí trong PCTN, Luật PCTN năm 2018 cũng quy định cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài việc yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng, Điều 14, Luật PCTN 2018 còn quy định, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.

Cũng theo quy định của Luật PCTN 2018, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác PCTN và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí. Đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm, trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất.

2. Kết quả PCTN thời gian qua cho thấy Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn ghi nhận sự tham gia của báo chí và đưa ra định hướng để báo chí tiếp tục phát huy vai trò của mình trong PCTN. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN đã khẳng định “vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân và báo chí trong PCTN, tiêu cực được phát huy tốt hơn”. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới đã chỉ ra 05 nguyên nhân dẫn đến những thành tựu đạt được trong chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, trong đó đề cập đến “sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và toàn xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong PCTN, tiêu cực”.

Với nhiệm vụ “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” được quy định chung trong Luật Báo chí và nhiệm vụ được quy định trong Luật PCTN, để báo chí thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình, các nhà báo được pháp luật trao các quyền, trong đó có những quyền rất quan trọng mà qua đó có thể tiếp cận các thông tin về tham nhũng và công tác PCTN được quy định tại khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí 2016, đó là: Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn thi hành Luật Báo chí, Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 09). Nghị định này đã quy định rõ về trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Điều 4 Nghị định  số 09 quy định có sáu hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan nhà nước: Tổ chức họp báo; đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do Trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, trực tiếp nhất có tính bảo đảm cao cho các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận các thông tin về tham nhũng và công tác PCTN của cơ quan, tổ chức, đơn vị.  

Với các quy định pháp luật như trên và thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay có thể thấy một số hạn chế, bất cập trong việc các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin về công tác PCTN như sau:

Thứ nhất, Luật Báo chí và Nghị định số 09 quy định các hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí như họp báo, đăng thông cáo báo chí lên cổng thông tin điện tử, trả lời câu hỏi của báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí... Luật PCTN cũng quy định các hình thức công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí và nhà báo. Mặc dù có quy định là “không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do” nhưng trên thực tế không ít cơ quan, tổ chức đã không cung cấp thông tin và không phản hồi lại các yêu cầu về cung cấp thông tin cho báo chí.

Thứ hai, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có phản hồi lại đối với yêu cầu cung cấp thông tin cơ quan báo chí hoặc nhà báo nhưng nội dung phản hồi chưa thể hiện tinh thần hợp tác cao với những lý do như “thông tin mật” hoặc “vụ việc đang trong quá trình xem xét, giải quyết nên chưa thể cung cấp thông tin”. Có trường hợp chỉ dẫn cơ quan báo chí, nhà báo đến những nơi khác để tiếp cận thông tin.

Thứ ba, không ít trường hợp báo chí đăng tải các thông tin về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật khác trong khi thi hành công vụ được dư luận quan tâm nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng liên quan đã “im lặng”, không đăng tải thông tin phản hồi, giải trình, không cung cấp cho báo chí, người làm báo quá trình xem xét, xử lý và kết quả xử lý. Có trường hợp chỉ cung cấp thông tin về giai đoạn đầu của quá trình xử lý nhưng không công khai, cung cấp thông tin về kết quả xử lý hoặc cơ quan báo chí, nhà báo rất khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Thứ tư, bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận của báo chí vào công cuộc PCTN, cũng có trường hợp cơ quan báo chí hoặc người làm báo có bài viết, thông tin sai sự thật về vụ việc hoặc công tác PCTN, có trường hợp lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí, nhà báo để yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị không đúng phạm vi hoạt động và tôn chỉ của tờ báo…. nhưng việc xử lý đối với các hành vi vi phạm đó có lúc chưa kịp thời. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí nhưng lúng túng trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý này.

3. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên đây nhằm nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của báo chí trong PCTN thời gian tới, cần hoàn thiện pháp luật về báo chí và PCTN theo hướng sau:

Thứ nhất, cần quy định chi tiết về phạm vi, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc yêu cầu và cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí, người làm báo về các vụ việc tham nhũng và công tác PCTN; giải thích rõ phạm vi, mức độ lưu hành của các loại tài liệu mà các cơ quan báo chí, nhà báo có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng (ví dụ như “tài liệu lưu hành nội bộ”) và thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo khi khai thác, sử dụng các tài liệu này.

Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm và những trường hợp cụ thể mà cơ quan, tổ chức, đơn vị phải cung cấp thông tin, phản hồi lại các cơ quan báo chí, nhà báo; quy định rõ những trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm giải trình, chủ động công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử) về việc xử lý thông tin, vụ việc các các cơ quan báo chí đã đăng tải.

Thứ ba, mở rộng phạm vi thực hiện trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Luật cần quy định trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin của các cơ quan tổ chức khác trong hệ thống chính trị, như các cơ quan, tổ chức của Đảng, các đoàn thể xã hội, trường học, bệnh viện, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và cả các tổ chức thực hiện một số hoạt động quản lý đã được xã hội hoá.

Thứ tư, bổ sung quy định hướng dẫn về việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực báo chí trong đó tập trung vào trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về các hành vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và cơ quan báo chí; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh khiếu nại của các cơ quan báo chí, nhà báo đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin mà không cung cấp và quy trình giải quyết khiếu nại đối với các quyết định kỷ luật, xử lý vi phạm đối với cơ quan báo chí, người làm báo./.

(Nội dung sưu tầm từ Tạp chí Thanh tra Chính phủ)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thông tư số 08/2024/TT- TTCP quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra(03/01/2025 8:11 SA)

Phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục có bước tiến mạnh, đột phá(26/12/2024 8:01 SA)

Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh...(24/12/2024 2:56 CH)

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải giảm tham nhũng vặt(16/12/2024 2:10 CH)

Quy định tặng Kỷ niệm chương về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ(15/12/2024 11:28 CH)

92 người đang online
°