Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Đăng ngày 08 - 04 - 2024
Lượt xem: 20
100%

 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Tinh thần trách nhiệm là một giá trị văn hóa được gọi là văn hóa trách nhiệm hay văn hóa bổn phận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”.

Với thân phận của một người dân sống trong một đất nước mất độc lập, dân nô lệ, lầm than, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người, để rồi trong suốt 30 năm, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tìm đến các nước tư bản phát triển, các nước thuộc địa, sẵn sàng làm nhiều nghề để vừa nuôi sống bản thân, vừa hoạt động cách mạng. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người đứng đầu cao nhất. Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực thi công vụ với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu không phải bằng việc sử dụng hay lạm dụng quyền lực mà thuyết phục bằng cảm hóa, bằng phong cách nói đi đôi với làm. Ý thức trách nhiệm của Người thể hiện từ những việc lớn như hoạch định đường lối, chính sách đến những việc nhỏ như lo tương cà, mắm muối cho dân. Người sống đời sống của dân, cùng nhịp đập với trái tim của dân, lo toan, trăn trở khi dân ốm, dân đói, dân rét, dân bị bóc lột, bị mù chữ, nghèo nàn… Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người, là khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức nghề nghiệp. Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.

(Nguồn: Sưu tầm từ bản tin thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Thuận )                                                                  

Tin liên quan

Tin mới nhất

Lòng tham và ma lực của đồng tiền(06/05/2024 10:46 SA)

Phát triển đội ngũ nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh(15/04/2024 9:26 SA)

“Cán bộ chống lưng” và “chống lưng cán bộ”(18/03/2024 2:46 CH)

Tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững...(28/02/2024 9:05 SA)

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới(28/02/2024 9:14 SA)

104 người đang online
°