Suốc cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh, để Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh đạo đức là cái gốc của con người trong mọi thời đại, mà còn đưa ra khái niệm đạo đức mới, với nội dung mới, phản ánh đạo đức ở tầm cao hơn, rộng hơn, sâu sắc hơn, đó là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng làm nên sức mạnh của Đảng và là một nhân tố quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao cả hai mặt đức và tài ở mỗi con người. Trong mối quan hệ giữa đạo đức và tài năng, Người khẳng định đạo đức là gốc, quyết định sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sức mạnh của đoàn kết dân tộc; nhờ đó mà đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng, góp phần to lớn vào sự thành công của cách mạng nước ta. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức nói chung cũng như đạo đức cách mạng nói riêng cho mọi người, trước hết là cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên phải có 5 đức tính quan trọng: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào, sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau mọi người. Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy. Trí là không có việc gì tư túi làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch sáng suốt; dễ hiểu lý; dễ tìm phương hướng; biết xem người, biết xét việc. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình - do vậy, mà quang minh chính đại.
Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện lệch lạc về tính cách, đạo đức ảnh hưởng đến tập thể, đến niềm tin của quần chúng Nhân dân. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ...”. Do vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để có những giải pháp nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng là vấn đề vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đó là:
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt.
- Thông qua hoạt động thực tiễn để hoàn thiện bản thân.
- Tích cực tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực thi nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
- Đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời, phải tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong, đề cao trách nhiệm công vụ, phấn đấu trở thành những cán bộ, đảng viên có cả đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
(Một số nội dung trích từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản - số 996, tháng 8/2022)