Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Người xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị có vai trò, ý nghĩa then chốt trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người khẳng định giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư, tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; nhằm cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học.

Qua gần 95 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức, giữ vững niềm tin, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước những nhiệm vụ cách mạng mới, để giải quyết những vấn đề phong phú, sinh động, phức tạp mà yêu cầu thực tiễn đặt ra và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ ra một số hạn chế là “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; … Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân”. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Do vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để có những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay, đó là:

- Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên giáo dục lý luận chính trị. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học và công tác quản lý đào tạo đồng bộ theo hướng khoa học, sáng tạo và hiện đại, bám sát thực tiễn, phát huy tính tích cực của người học. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

- Nâng cao tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên; nội dung giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cần giáo dục những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; công tác xây dựng Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức cách mạng; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để góp phần xây dựng định hướng, cung cấp cơ sở khoa học cho công tác hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đổi mới tư duy quản trị, phương thức, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.

- Tăng cường tổng kết, đúc kết những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo; phát hiện những gương điển hình tiên tiến để giáo dục, nêu gương cho đảng viên, quần chúng noi theo; xem xét kinh nghiệm, cách làm hay của cán bộ, đảng viên và cá nhân khác để áp dụng cho phù hợp với bản thân mình. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn để hoàn thiện bản thân.

- Đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chuyên đề toàn khoá nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

- Tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nghiên cứu lý luận chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc; tích cực nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng kiến thức vào việc xử lý, giải quyết nhiệm vụ thực tế ở cơ quan, đơn vị; nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu trở thành những cán bộ, đảng viên có cả đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

(Một số nội dung trích từ Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản - số 1.031, tháng 02/2024)

Thanh Quý- Chi bộ Phòng Hành chính, VT-LT