Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất cho mục đích tôn giáo được quy định trong Luật Đất đai năm 2024
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH14 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 (trừ một số quy định có hiệu lực trước ngày 01/8/2024). Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 gồm 260 Điều, thuộc 16 Chương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu, rộng và bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Một trong những sửa đổi, bổ sung trong Luật đó là liên quan đến đất sử dụng cho mục đích tôn giáo. Việc sửa đổi này sẽ dẫn đến quyền, nghĩa vụ của các đối tượng được sử dụng đất tôn giáo đó là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thay vì cơ sở tôn giáo như trước đây. Bài viết này tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được giao đất có hạn mức để làm cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức và không thu tiền sử dụng đất; thực tiễn và kiến nghị, đề xuất đối với công tác tôn giáo hiện nay.
1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất cho mục đích tôn giáo
1.1. Quy định về đất tôn giáo tại Nghị quyết số 18- NQ/TW
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó tại phần nhiệm vụ và giải pháp thứ hai của Nghị quyết đã nêu “Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương”.
Như vậy, từ quy định này của Nghị quyết số 18-NQ/TW cho thấy đất sử dụng cho mục đích tôn giáo đã có sự thay đổi so với các quy định trước đây về đối tượng được thực hiện, đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo, diện tích đất được giao (có hạn mức). Trên cơ sở quy định này của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đất sử dụng cho mục đích tôn giáo.
1.2. Quy định về đất sử dụng cho mục đích tôn giáo tại Luật Đất đai năm 2024
Điều 4, Luật Đất đai năm 2024 quy định về người sử dụng đất: người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm nhiều đối tượng, trong đó có: tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Điều 171 của Luật quy định cùng với đất tín ngưỡng thì “đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213” là loại đất sử dụng ổn định lâu dài.
Về phân loại đất, Điều 9 của Luật quy định căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng. Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo được phân vào nhóm đất phi nông nghiệp.
Về giao đất không thu tiền sử dụng đất, Điều 118 của Luật quy định: “…tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này”.
Quy định về đất tôn giáo được nhận diện cụ thể tại Điều 213 của Luật, đó là: 1) Đất tôn giáo bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác. 2) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. 3) Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 4) UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh. 5) Việc sử dụng đất tôn giáo kết hợp với thương mại, dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 218 của Luật này. 6) Trường hợp Nhà nước thu hồi đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều này thì được bố trí địa điểm mới phù hợp với quỹ đất của địa phương và sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ”.
1.3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất
Điều 32 của Luật quy định: tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật này, cụ thể:
Về quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng giống các tổ chức, cá nhân khác khi sử dụng đất, gồm có: được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp; hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp; được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Về nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng giống nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác khi được giao đất đó là: sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan; tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất; bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Người đại diện của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong các trường hợp này sẽ là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng đất của tổ chức.
Ngoài ra, Điều 45 của Luật cũng quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất: “Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc,… mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất”.
Bên cạnh việc quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, Luật Đất đai 2024 quy định: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Về sử dụng đất kết hợp đa mục đích, Điều 218 của Luật quy định các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó, đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ.
Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 của Luật này; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; Tuân thủ pháp luật có liên quan.
Các trường hợp sử dụng đất kết hợp với thương mại, dịch vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 218 của Luật thì phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thực tiễn và kiến nghị, đề xuất đối với công tác tôn giáo hiện nay
2.1. Thực tiễn sử dụng đất cho mục đích tôn giáo thời gian qua
Việt Nam hiện có 16 tôn giáo với 43 tổ chức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo; 01 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập được đăng ký sinh hoạt tôn giáo (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Mỗi tổ chức có quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức, hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật và hệ thống chức sắc, chức việc, nhà tu hành khác nhau. Sự đa dạng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo vừa tạo nên bản sắc đặc trưng cho mỗi tổ chức nhưng cũng đem lại nhiều thách thức, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp thời gian qua.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước hiện có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó, số cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương là 15.205 cơ sở; có 29.801 cơ sở tôn giáo, 53.390 chức sắc, 95.360 chức việc; 40.075 người vừa là chức sắc, vừa là chức việc (62/63 tỉnh, thành) và 26.548.509 tín đồ.
Việc quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo những năm qua được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước đi vào nề nếp, góp phần quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước.
Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác quy hoạch, đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu tôn giáo (một số tỉnh, thành phố khác chưa thực hiện hiệu quả nội dung này); xem xét, giải quyết giao đất, xây dựng mới cho nhiều cơ sở tôn giáo. Việc Nhà nước quản lý, sử dụng nhà, đất có liên quan đến tôn giáo cơ bản ổn định; các cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng nhìn chung đúng mục đích, phát huy được hiệu quả sử dụng. Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã được thực hiện, kịp thời phát hiện, hướng dẫn giải quyết xử lý cơ bản theo quy định của pháp luật, xem xét giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của các tổ chức tôn giáo. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đất đai được xem xét, xử lý kịp thời, dứt điểm, đúng chủ trương, chính sách, pháp luật, phù hợp thực tiễn.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các cơ sở tôn giáo trong những năm gần đây đã được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đã tăng đáng kể, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai được chặt chẽ; bảo đảm pháp lý, phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các cơ sở tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo thực hiện được quyền của người sử dụng đất. Tính đến đầu năm 2021, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Chính phủ thì số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 49 tỉnh, thành phố là 15.174/20.215 chiếm 75,06%; số cơ sở tôn giáo chưa được cấp là 5.041/20.215 chiếm 24,94%.
Trong thực tiễn, nhu cầu của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có đất để xây dựng cơ sở tôn giáo còn rất lớn. Một số tổ chức tôn giáo có nhu cầu được giao đất để xây dựng cơ sở tôn giáo là chính đáng; một số khác là chưa chính đáng (có nhiều cơ sở nhưng vẫn muốn được giao đất để xây dựng các cơ sở tôn giáo khác). Thời gian qua, ở nhiều địa phương còn tồn tại các hiện tượng lấn chiếm, mua bán, hiến tặng đất giữa hộ gia đình, cá nhân và chức sắc, chức việc một số tổ chức tôn giáo (dưới danh nghĩa công dân). Các trường hợp này về lâu dài sẽ đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích tôn giáo để được giao lại phục vụ cho mục đích xây dựng cơ sở tôn giáo.
2.2. Kiến nghị, đề xuất đối với công tác tôn giáo hiện nay
Luật Đất đai năm 2024 quy định: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh.
Với quy định này, hiện nay, đa số UBND các tỉnh đã quy định được hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc như UBND tỉnh Thanh Hóa; UBND tỉnh Nam Định; UBND tỉnh Bình Dương; UBND tỉnh Quảng Ngãi;…; còn một số UBND các tỉnh, thành phố khác đang thực hiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này. Để đảm bảo thực hiện được hiệu quả quy định này trong thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thời gian tới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để có sự nhận diện thống nhất thế nào là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo (Luật Đất đai hiện nay quy định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hạn mức để xây dựng cơ sở tôn giáo, xây dựng trụ sở của các tổ chức này).
Hai là, đối với UBND các tỉnh chưa ban hành được hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo cần khẩn trương ban hành để sớm thực hiện được khoản 4 Điều 213 của Luật Đất đai năm 2024.
Ba là, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định đất tín ngưỡng, tôn giáo được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó có mục đích thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện chưa có quy định này cho các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện đang quy định tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân phi thương mại và tổ chức tôn giáo là “tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”, vì vậy, để đồng bộ với các quy định của pháp luật đất đai hiện hành, các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới.
Bốn là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai, xây dựng nói chung; chính sách, pháp luật đất đai, xây dựng sử dụng mục đích tôn giáo nói riêng nhằm ngăn ngừa, chấn chỉnh, xử lý các hành vi lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng đất giữa hộ gia đình, cá nhân với tổ chức, cá nhân tôn giáo để xây dựng cơ sở tôn giáo; các hành vi xây dựng trái phép các cơ sở tôn giáo (chưa được cấp phép vẫn xây dựng; xin cấp phép một vài hạng mục công trình nhưng lại xây dựng nhiều công trình).
(Nguồn: Sưu tầm từ trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ)
Hồng Lựu, phòng TG