Chính sách của Nhà nước về lưu trữ
Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 (Luật Lưu trữ) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 21/6/2024; trong đó, tại Điều 5 của Luật Lưu trữ quy định chính sách của Nhà nước về lưu trữ như sau:
- Xây dựng nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ Nhân dân.
- Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho lưu trữ. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công và nguồn lực khác để hiện đại hóa lưu trữ, bảo đảm an toàn, toàn vẹn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lưu trữ chuyên nghiệp, phục vụ; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lưu trữ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hoạt động lưu trữ.
- Xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.
- Xã hội hóa lưu trữ; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
- Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện về lưu trữ.
Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, và d khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 65 của Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15.
Xuân Diệu, Phòng Hành chính, VT-LT