Đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu: Tăng cường liêm chính
Hội nghị Chống tham nhũng Quốc tế (IACC) lần thứ 21 - diễn đàn toàn cầu độc lập lớn nhất thế giới về chống tham nhũng đang diễn ra tại Thủ đô Vilnius, Lithuania (Litva), với chủ đề “Đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu: Tăng cường liêm chính”.
Hội nghị được tổ chức từ ngày 18 đến 21/6, quy tụ các nguyên thủ quốc gia cũng như đại diện xã hội dân sự, các nhà hoạt động trẻ, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà báo điều tra.
IACC được tổ chức 2 năm một lần, kể từ năm 1983, thu hút khoảng 1.500 người tham gia trên toàn thế giới.
Bà Huguette Labelle, Chủ tịch Hội đồng IACC, cho rằng: “Hội nghị năm 2024 tại Litva là thời điểm quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đánh giá những nỗ lực của họ và xác định các chiến lược mới để giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu đang nổi lên”.
Theo bà Francine Pickup, Phó Giám đốc Văn Phòng hỗ trợ về Chương trình và chính sách của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các hội nghị, ý kiến phát biểu ở Vilnius trong những ngày này rất quan trọng, vì bốn lý do:
Thứ nhất, cuộc họp được triệu tập trong bối cảnh khủng hoảng phức tạp và diễn ra trên nhiều lĩnh vực; biến đổi khí hậu, xung đột, căng thẳng địa chính trị, phân cực, xói mòn dân chủ, biến động kinh tế và các công nghệ tiên phong không được kiểm soát - mỗi yếu tố đều đe dọa đến những thành quả phát triển khó khăn mới đạt được.
Báo cáo Phát triển con người 2023-2024 của UNDP nhấn mạnh khoảng cách ngày càng lớn trong phát triển con người, dẫn đến nguy cơ thụt lùi không thể khắc phục được. Tham nhũng vẫn là trở ngại đáng kể cho sự phát triển công bằng, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có và làm giảm hơn nữa niềm tin của người dân vào quản trị.
Trong bối cảnh đó, theo bà Francine Pickup, IACC lần thứ 21 cần thúc đẩy các hành động tập thể bền vững, quan hệ đối tác và các chiến lược khả thi để chống tham nhũng. Kết quả của IACC 21 sẽ được đưa vào Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2024 và Hội nghị Quốc tế lần thứ tư về tài trợ cho phát triển năm 2025.
Thứ hai, chủ đề của IACC năm nay: “Đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu: Tăng cường liêm chính”, mở rộng phạm vi của chương trình nghị sự về quản trị và chống tham nhũng nhằm giải quyết một loạt vấn đề bao gồm giải quyết xung đột, hành động về khí hậu, an ninh toàn cầu và an ninh con người, đồng thời đảm bảo tính liêm chính trong tài trợ phát triển và triển khai các công nghệ tiên tiến.
Kết quả của IACC 21 sẽ là công cụ giúp tiếp tục nỗ lực đưa vấn đề quản trị và chống tham nhũng trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự phát triển toàn cầu, dựa trên những kinh nghiệm như sáng kiến Dữ liệu về nông nghiệp thích ứng với khí hậu (DiCRA) ở Ấn Độ. Số hóa và dữ liệu mở có thể thách thức tham nhũng bằng cách giảm bớt sự tùy tiện, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện cho trách nhiệm giải trình bằng cách hạn chế sự tác động của con người.
Thứ ba, mối liên kết giữa tài trợ phát triển bền vững và sức mạnh của hệ thống quản trị, cả ở cấp quốc gia và toàn cầu, sẽ là trọng tâm. Khi khuôn khổ tài chính toàn cầu phải vật lộn với hậu quả của nhiều cuộc khủng hoảng, cần có 4 nghìn tỷ USD để giải quyết thâm hụt tài chính nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Chất lượng quản trị ở bất kỳ quốc gia nào sẽ định hình tính hiệu quả của các cơ chế và chính sách tài chính, trong khi nguồn tài chính dồi dào sẵn có cũng ảnh hưởng đến sự ổn định và chất lượng của hệ thống quản trị.
Sự phá vỡ một trong hai điều này sẽ gây nguy hiểm cho khế ước xã hội, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, khi chính phủ và các cơ quan quốc tế tập trung quá mức vào những phản ứng ngắn hạn và mang tính đi ngược lại. Cần có những cải cách khẩn cấp trong hệ thống quản trị quốc gia và toàn cầu để ngăn chặn tham nhũng cũng như các dòng tài chính bất hợp pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới SDG.
Thứ tư, trong những thời điểm đầy thách thức này, các quốc gia cần có khả năng đánh giá tác động của những sáng kiến và cải cách chống tham nhũng của mình và quan trọng nhất là học hỏi từ những kinh nghiệm chống tham nhũng hiệu quả. Hội nghị cung cấp một nền tảng để giới thiệu các phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm đo lường tham nhũng, dựa trên hoạt động hợp tác của UNDP với các đối tác trong lĩnh vực này. Các phương pháp đo lường hiệu quả là nền tảng, vì nếu không có các công cụ và phương pháp được tiêu chuẩn hóa thì việc thu thập dữ liệu và bằng chứng để đưa ra các quyết định chính sách về cải cách chống tham nhũng là rất khó khăn.
Bà Francine Pickup nhấn mạnh: “Tại UNDP, chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng mỗi đô la chi tiêu sẽ được dùng vào mục đích phát triển, đồng thời củng cố vị thế của UNDP như một đối tác đáng tin cậy trong việc mang lại kết quả. Cổng thông tin minh bạch của UNDP là cam kết của UNDP nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tự phản ánh và học hỏi liên tục với sự hỗ trợ của các cơ chế đánh giá, kiểm toán và giám sát độc lập. Trang web này cung cấp cho công chúng dữ liệu về hơn 10.000 dự án của UNDP”.
Giải quyết tham nhũng đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả và sáng tạo, tăng cường phân bổ nguồn lực và cam kết bền vững đối với các nỗ lực chống tham nhũng.
(Nội dung sưu tầm từ Báo điện tử Thanh tra Chính phủ)
Thanh Khiết - Thanh tra Sở