Cởi bỏ tâm lý “sợ sai” cho cán bộ

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đang rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình dẫn đến không dám làm việc.

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội nhận định rằng, hạn chế về việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân. Cụ thể, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nhận thấy có 3 nhóm: Cán bộ còn hạn chế về năng lực có tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ; cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế nên có chuyện nghe ngóng, né tránh; còn đối tượng thứ ba là một số cán bộ bây giờ không muốn làm, không dám làm vì có thể chính sách pháp luật chưa đủ nên trước làm có thể đã không đúng. Hoặc làm xong rồi không biết có sai hay không? Sai cũng không biết sai chỗ nào nên nếu bây giờ vẫn làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Thực tế cho thấy, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đó. Bởi chính cách tư duy, hành động như vậy dù vì lý do gì thì sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy đã là tác nhân gây cản trở công việc chung, thậm chí đi ngược với những chủ trương, chính sách của Đảng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bởi Đảng, Nhà nước “mạnh tay”, quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm là nhằm “xốc lại” bộ máy, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên và giúp hệ thống chính trị mạnh lên chứ không phải là làm cho đội ngũ cán bộ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách nhiệm, sợ sai.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kể cả khu vực công và tư. Đó là các bộ ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp rõ ràng cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Chắc chắn một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức, viên chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình, gia đình mình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ với “6 dám”: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để cán bộ dám nghĩ, dám làm trên cơ sở Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, một số ý kiến cho rằng, Trung ương cần “lượng hóa” bằng quy định cụ thể để có thể đánh giá cán bộ. Muốn thế cần phải xây dựng cơ chế cụ thể, luật hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như thế sẽ dễ thực hiện hơn trong thực tế. Đây cũng là giải pháp để tạo môi trường làm việc tối ưu, nâng cao năng suất lao động; tháo gỡ, giải quyết những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển./.

(Nguồn: Sưu tầm tại Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Đức Lực, Chi bộ Thanh tra Sở Nội vụ