Truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Nhằm tiếp tục đổi mới các hình thức và phương pháp tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; phát huy kết quả đã đạt được, nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương của Đảng trong xây dựng nông thôn mới theo hướng “toàn diện, nâng cao và bền vững”; truyền tải kịp thời thông tin chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời thu thập thông tin, giám sát và phản ánh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Ngày 04/8/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3402/KH-UBND về việc Truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Kế hoạch);

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch. Cụ thể:

- 100% các câu hỏi của người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và câu trả lời của các cơ quan chức năng quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chương trình http://nongthonmoi.ninhthuan.gov.vn và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về xây dựng nông thôn mới.

- 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và hàng năm và triển khai có hiệu quả để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- 100% các địa phương, cơ sở sử dụng đúng, hiệu quả logo nông thôn mới và logo OCOP trong các hoạt động truyền thông.

- Có ít nhất 01 chuyên mục được phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và ít nhất 01 chuyên trang trên Báo Ninh Thuận về Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.

- Trên 80% các xã có ít nhất 01-02 chương trình phát thanh/tuần về xây
dựng nông thôn mới trên Đài truyền thanh xã.

- Treo Pano tuyên truyền các khẩu hiệu của Chương trình nông thôn mới và Chương trình OCOP tại các tuyến đường trục huyện và trục xã.

- Tổ chức tối thiểu 01 cuộc thi về nông thôn mới/năm; tổ chức tối thiểu 05 diễn đàn, tọa đàm đối thoại chuyên sâu về các chủ đề mới trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm, biên soạn và in ấn, cung cấp miễn phí khoảng 500 cuốn tài
liệu nghiệp vụ, tập huấn, kỷ yếu, sổ tay, chuyên đề về nông thôn mới, OCOP.

- Có ít nhất 30 lượt cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã/năm được tập huấn kiến
thức và kỹ năng tuyên truyền và truyền thông, giải quyết sự cố truyền thông, nghiệp vụ báo chí về phương pháp viết tin, bài; về sáng tác, biên tập, dàn dựng tiết mục, chương trình thông tin cổ động…

Để thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra cụ thể nội dung, giải pháp, thời gian thực hiện và giao các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có liên quan triển khai, thực hiện; trong đó, giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch./.

Lâm Hải - Phòng QLNS