Học và làm theo tư tưởng “trọng dụng hiền tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trọng dụng nhân tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta, bởi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp". Kế thừa và pháy huy truyền thống ấy lên tầm cao mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng nhân tài hùng hậu, góp phần quan trọng quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài. Người cho rằng: “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Quan điểm này bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển tư tưởng cầu hiền tài của ông cha trong điều kiện mới; coi nhân tố con người là vấn đề có tính chất phương pháp luận quan trọng nhất và nhân tài có vai trò to lớn - động lực để phát triển đất nước.

Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” . Người cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.

Bởi vậy, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Quan điểm, tư tưởng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta. Đảng và Nhà nước không chỉ coi thu hút và sử dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, bởi nhân tài - cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn coi trọng nhân tài, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài "đúng người, đúng việc, đúng vị trí" nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng hiền tài là vấn đề vừa cần thiết, vừa cấp bách. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đang đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia, tạo thành chủ trương, cơ chế thống nhất để thu hút, trọng dụng, bồi dưỡng và phát triển hiền tài. Hiền tài sẽ là những người cống hiến, vạch đường đi để dân tộc ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều này đòi hỏi, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về trọng dụng hiền tài nói riêng, coi trọng, thu hút, trọng dụng nhân tài, bố trí, sử dụng cán bộ phải "đúng người, đúng việc, đúng vị trí", để lựa chọn hiền tài "đúng" góp phần vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.

Ngọc Tiến, Chi bộ Thanh tra và CCHC (Một số nội dung sưu tầm trang web xaydungdang.org.vn)